Thủy Sản Trung Nhàn

Loài Vi rút Decapod iridescent virus 1 (DIV1) gây bệnh cho tôm nuôi

Thứ Tư, 11/12/2024
TK Kế Toán Trung Nhàn 1
Loài Vi rút Decapod iridescent virus 1 (DIV1) gây bệnh cho tôm nuôi

Loài Vi rút Decapod iridescent virus 1 (DIV1) gây bệnh cho tôm nuôi:

* Tác nhân gây bệnh: 

- Decapod iridescent virus 1 (DIV1) là loài vi rút thành viên mới trong họ Iridoviridae, phân họ Betairidovirinae, chi Decapodiridovirus.

* Phân bố địa lý:

Theo Mạng lưới Trung tâm nuôi trồng thủy sản Châu Á - Thái Bình Dương (NACA), năm 2014 bệnh do DIV1 mới chỉ xuất hiện tại Trung Quốc trên mẫu tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus), tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) và tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) ở một số tỉnh. Năm 2018, vi rút được tìm thấy trong các trang trại nuôi tôm ở 11 tỉnh và đến tháng 02 năm 2020 bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông và đã gây ảnh hưởng cho khoảng 1/4 diện tích nuôi tôm ở tỉnh này.
Tôm sú (P. monodon) hoang dã ngoài tự nhiên vùng biển Ấn Độ Dương cũng dương tính với vi rút này.
Trong thực tế, phân bố của vi rút DIV1 trên thế giới có thể rộng hơn nhiều do chưa được điều tra cụ thể.

- Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho biết giun nhiều tơ (sử dụng làm thức ăn cho tôm bố mẹ, tôm hoang dã) cũng bị nhiễm virus DIV1 và là nguồn bệnh có khả năng làm lây truyền virus gây bệnh trên tôm.
 Ở Việt Nam, hiện nay chưa có thông tin về bệnh do DIV1 xuất hiện ở tôm nuôi hay các loài giáp xác ngoài tự nhiên.

* Loài cảm nhiễm:
Vi rút DIV1 lây nhiễm cho tôm ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và đã được phát hiện gây bệnh trên một số loài tôm biển, tôm nước lợ và tôm nước ngọt, bao gồm: tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus), tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei), tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), tôm hùm đất hay tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii), tôm càng sông hay tôm chà (Macrobrachium nipponense) và tôm gai (Exopalaemon canrinicauda).
- Loài cua cà ra (Eriocheir sinensis) và cua bờ sọc hay cua bờ (Pachygrapsus crassipes) cũng được ghi nhận bị nhiễm vi rút DIV1 qua thực nghiệm (tiêm vi rút vào cơ) nhưng chưa được xác nhận là loài cảm nhiễm với vi rút.


* Dấu hiệu lâm sàng:
Đối với tôm thẻ chân trắng bị nhiễm DIV1 dấu hiệu cho thấy ở cơ thể có màu hơi đỏ, gan tụy teo và nhạt màu, dạ dày và ruột rỗng.
Tôm bị bệnh có biểu hiện lờ đờ, mất khả năng bơi, ở giai đoạn cuối thường chìm xuống đáy và chết.
- Tôm chết hàng ngày, tỉ lệ chết lũy kế trong ao có thể lên tới 80%; thời gian gây chết 50% ao trong thực nghiệm là 8,11±0,81 ngày, gấp hai lần so với vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV).
Tôm ít bị nhiễm bệnh vào mùa hè, mùa thu, nhất là khi nhiệt độ trên 300C.

- Còn trên tôm càng xanh khi bị nhiễm bệnh sẽ có các dấu hiệu điển hình là có một một vùng đặc trưng hình tam giác màu trắng (là mô của cơ quan tạo máu) bên trong phần giáp đầu ngực (dưới chủy đầu) nên gọi là bệnh “đầu trắng”

* Phòng bệnh:
Bệnh do DIV1 ở tôm nuôi đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và bệnh chưa được Tổ chức Thú y thế giới bổ sung vào Danh mục bệnh bắt buộc phải khai báo của OIE.  
- Các tổ chức, cá nhân chủ động phòng chống, ngăn chặn bệnh do DIV1 xâm nhập vào nước ta trước tiên cần thực hiện tốt các biện pháp tổng hợp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 5 năm 2016.

 * Chẩn đoán bệnh:

- Dựa trên hình thái và triệu chứng tôm bị nhiễm bệnh đối với tôm thẻ chân trắng cho thấy: tôm bị bệnh không có triệu chứng, bệnh tích điển hình và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên việc chẩn đoán lâm sàng chỉ có tính hỗ trợ định hướng trong quá trình chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Đối với tôm càng xanh (M. rosenbergii): Tôm bị bệnh thường có dấu hiệu điển hình là mô cơ quan tạo máu có màu trắng bên trong phần giáp đầu ngực (dưới chủy đầu) nên còn được gọi là bệnh “đầu trắng”. Do vậy, có thể sử dụng tôm càng xanh như một loài chỉ thị trong trường hợp nghi ngờ có bệnh do DIV1 xuất hiện.

- Để chẩn đoán chính xác virus DIV1 cần sử dụng phương pháp sinh học phân tử với 2 phương pháp: Nested PCR và Real-time PCR.

           

A B C

Hình 1. A) P.vannamei khỏe mạnh (bên trái) và tôm bị bệnh do DIV1 (bên phải) nhạt màu, ruột rỗng (Qiu, 2017). B) Gan tụy tôm P. vannamei, nhiễm  DIV1  bị  nhạt  màu  (Qiu, 2017). C) Khu  vực  màu trắng  bên  trong  tam  giác giáp  đầu  ngực  của  tôm càng  xanh  nhiễm  DIV1 (Qiu, 2019a)

Hình 2. Mô bệnh học P. vannamei nhiễm DIV1. Mũi tên màu đen cho thấy các thể vùi tăng bạch cầu ái toan xen kẽ với nhuộm nhỏ basophilic, mũi tên màu trắng cho thấy nucleic bị co cụm. (a). mô tạo huyết; (b). mang; (c). xoang gan tụy, và (d). chân bơi. Nhuộm H&E, thanh 10µm.

Hình 3. Các hạt vi rút ánh kim hai mặt điển hình trong tế bào máu của P. vannamei bị nhiễm DIV1 (Qiu, 2017)

Date post:11/12/2024 Hải Vân (Tổng Hợp)

Viết bình luận của bạn
Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ