Ngành chăn nuôi tìm cách bắt nhịp với công nghệ
Liên kết chuỗi để tăng tính cạnh tranh :
Ông Phạm Đức Duy nhận định, tham gia CPTPP và EVFTA, Việt Nam đang bước vào một cuộc chơi có nhiều thách thức. Ông chỉ ra 4 vấn đề lớn trong năng lực cạnh tranh mà Việt Nam luôn gặp phải bao gồm: kiểm soát nguyên liệu đầu vào, kiểm soát các công đoạn sản xuất, kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc tế và giá thành còn cao.
Theo ông để tăng sức cạnh tranh Việt Nam cần phải khắc phục 4 yếu tố này. Ở góc độ quản lý nhà nước, để doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế và đồng thời đứng vững sân nhà, chính phủ cần phải cởi trói trong thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, giải phóng sản phẩm kịp thời để chớp lấy thời cơ phát triển.
Về vấn đề hình thành liên minh sản xuất trong nông nghiệp giúp các doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh thế nào. Từ góc độ doanh nghiệp, ông Cẩn cho biết, đoàn kết là sức mạnh. Các doanh nghiệp có thể chia sẻ kinh nghiệm, và linh hoạt trong hoạt động sản xuất để giảm giá thành và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Đồng tình quan điểm ông Chinh nhận định, đây là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp cần dựa trên lợi thế và nhận định điểm yếu để liên kết và khép kín chuỗi giá trị. Trong nông nghiệp và chăn nuôi có nhiều mô hình đã thực hiện, hình thành chuỗi như Thadi và Hoàng Anh Gia Lai để tận dụng thế mạnh, khắc phục điểm yếu.
Các chuyên cho rằng, bài học thực tế khi xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản cho thấy lợi ích của việc liên kết, khi hàng năm có thể xuất khẩu trên 30 triệu USD. Mỗi đơn vị chuyên môn khác nhau có thể hợp tác để tận dụng lợi thế hay nói cách khác là mượn đôi vai của người khổng lồ để thành công.
Nhiều cơ hội cho ngành :
Theo ông Cẩn, khi hội nhập vào các thị trường quốc tế có cả thách thức và cơ hội. Nếu doanh nghiệp muốn đi từ nền tảng bền vững, cần đảm bảo 3 yếu tố quan trọng là: an toàn, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ.
Song quay lại thị trường nước hiện nay, không nhiều doanh nghiệp chế biến chăn nuôi làm được những điều này. Trong khi đó, người tiêu dùng còn thiếu thông tin, thiếu kiến thức chung. "Còn một số người chưa hiểu được thế nào là an toàn thực phẩm dẫn đến những làn sóng thông tin không hay cho sản phẩm của doanh nghiệp", ông Cẩn nói.
Lợi thế của doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đến từ nguồn lao động dồi dào, đa dạng sản phẩm chăn nuôi. Khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trên sân nhà, ông Cẩn tin rằng khối nội vẫn có những điểm mạnh rõ rệt.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Tống Xuân Chinh cho biết Việt Nam đã ký 14 hiệp định thương mại. Đây là bước đệm tốt cho sự phát triển chung của ngành chăn nuôi. "Doanh nghiệp lúc này đã tiếp cận với một thị trường lớn hơn, người tiêu dùng thông minh hơn, nguồn nguyên vật liệu và máy móc kỹ thuật từ những nước này cũng tiến bộ khác xa so với Việt Nam", ông Chinh nói.
Việc liên kết sản xuất theo chuỗi, khép kín với những doanh lớn đang tạo ra hiệu quả rõ rệt. Cùng với đó, công nghệ là yếu tố quan trọng để đưa sản phẩm chăn nuôi đến người tiêu dùng châu Âu, Mỹ.
Hoạt động giết mổ chuyển biến tích cực :
Ông Nguyễn Đức Tùng nhận định, tình trạng giết mổ tràn lan đang khiến hoạt động kiểm dịch thú y và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gặp khó khăn. Tuy nhiên ông Phạm Văn Duy nhận định, hoạt động giết mổ đang có sự chuyển dịch tích cưc. Tính đến tháng 9/2020, cả nước có 22.850 cơ sở giết mổ, trong đó 70% là đơn vị nhỏ lẻ.
Từ 2016 đến nay, Việt Nam có thêm 9 nhà máy, với mức đầu tư 9.000 tỷ. Điều này cho thấy lĩnh vực đang có chuyển biến tích cực. Hiện Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển để quy hoạch hoạt động chăn nuôi và giết mổ tầm nhìn đến năm 2025. Đây là cơ sở để hoạt động giết mổ trở nên quy củ hơn.
Doanh nghiệp lớn đều có trung tâm nghiên cứu :
"Ngành thuỷ sản hay nông nghiệp nói chung có đặc thù về giống loài. Công nghệ sẽ giải quyết những khó khăn từ thổ nhưỡng, khí hậu", ông Nguyễn Công Cẩn chia sẻ.
Nếu xác định làm là phải có lộ trình. Doanh nghiệp hay nông hộ nhỏ thường không có điều kiện tìm hiểu thị trường, sản phẩm nhiều bằng doanh nghiệp lớn. "Chúng tôi khi có cơ hội tối ưu hoá công nghệ cũng như am hiểu thị trường sẽ đem ngược kiến thức đó về cho người nông dân", Phó tổng giám đốc Kỹ thuật tập đoàn Việt - Úc nói.
Giai đoạn những năm 80 trở về trước Việt Nam chủ yếu nghiên cứu cơ bản. Còn sau năm 80 Việt Nam chuyển sang nghiên cứu phát triển. Rất nhiều doanh nghiệp lớn giờ đây đều có trung tâm nghiên cứu, thậm chí viện nghiên cứu để nhắm vào thị trường mà họ muốn xâm nhập. Ông Tống Xuân Chinh coi đây là nước đi chiến lược không thể bỏ qua.
Khi được người điều phối đặt câu hỏi về nguồn ngân sách hay hỗ trợ nói chung, ông Chinh nói đây là quá trình nên có sự chủ động của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Viện chăn nuôi có đến 14 trung tâm dưới Viện, trường đại học để nghiên cứu. Tuy nhiên ngân sách không thể dàn trải đến tất cả những người dân, tổ chức nông nghiệp. Muốn làm quy mô, doanh nghiệp nên chủ động xây dựng bộ phận nghiên cứu riêng của mình nhưng vẫn có thể phối hợp cùng các cơ quan quản lý.
Ông Tống Xuân Chinh cũng cho rằng quy hoạch chăn nuôi là bài toán cần tìm lời giải. Những trung tâm tiêu thụ thực phẩm lớn của Việt Nam như TP HCM hay Hà Nội cần có những vùng nguyên liệu vệ tinh ngay cạnh. Ngoài ra, đặc thù khí hậu nhiều mùa, thiên tai liên miên cũng đòi hỏi sự tìm kiếm những cây con giống phù hợp hơn.
Công nghệ trong chăn nuôi ngang tầm khu vực :
Quan tâm đến xu hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi ông Nguyễn Đức Tùng tham vấn ý kiến từ các vị chuyên gia.
Theo Phạm Văn Duy, hiện nay người tiêu dùng rất quan tâm đến việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Thống kê cho thấy Hà Nội đã có 5.000 sản phẩm dán QR code để trích xuất nguồn gốc. Quá trình này có được do ứng dụng blockchain và tính ra trình độ ứng dụng ở mức ngang tầm khu vực.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh cho biết công nghệ chăn nuôi cũng đã bắt kịp với mặt bằng ASEAN. Việc ứng dụng công nghệ tại Việt Nam được áp dụng phù hợp với từng phương thức sản xuất, nông hộ thấp, nhưng trong doanh nghiệp lại cao. Ví dụ trong chăn nuôi bò sữa với sự dẫn dắt của các công ty lớn, việc đầu tư công nghệ tự động, số hoá... áp dụng vào sản xuất chế biến mạnh mẽ.
Hiện nay 75% hộ nông dân sử dụng máy vắt sữa, 60% sử dụng máy chăn dắt, 55% con bò được đeo chip điện tử, nhận diện cá thể. Ăn thức ăn TMR cân bằng hoàn chỉnh. Sản xuất sửa bằng công nghệ hiện đại chiếm tỷ trọng 63%.
Việt Nam đứng đầu châu Á trong ứng dụng công nghệ chăn nuôi và đứng thứ 12 trong châu Á về lĩnh vực thức ăn công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống hoàn chỉnh từ đầu vào đến đầu ra, công nhân kỹ thuật chủ yếu kiểm soát quy trình bằng máy tính.
"Các doanh nghiệp phải nỗ lực để cạnh tranh ngay trên sân nhà và thậm chí tại các thị trường mà chúng ta xuất khẩu sang. Vì vậy, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh thì công nghệ là con đường đầu tiên", vị này nói.
Đối với việc nuôi trồng và chế biến tôm, theo ông Cẩn, ngành thủy sản nói chung tiếp cận sớm với công nghệ. Dù vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu công nghệ phù hợp thế nào với từng quy mô nông hộ, sản xuất để đảm bảo cả chất lượng, và số lượng.
Trong chọn giống, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có thể lai tạo tôm giống bố mẹ để ra giống chất lượng (trước phải nhập khẩu tôm bố mẹ từ nước ngoài, nhưng giờ nhờ ứng dụng công nghệ đã thành công). Việc ứng dụng công nghệ đã tạo nên 3 ưu thế về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm xã hội, tiến tới sản xuất bền vững. "Nếu so với toàn khu vực thì giờ công nghệ ngang tầm', Phó tổng giám đốc Kỹ thuật tập đoàn Việt - Úc cho hay.
Thực phẩm đông lạnh là xu hướng tất yếu :
Nhu cầu người tiêu dùng hiện nay là quan tâm hơn đến những sản phẩm có nguồn gốc, dù là đông lạnh nhập khẩu. Ông Phạm Văn Duy đánh giá đây là điều tất yếu khi họ đặt sức khoẻ và sự an toàn lên hàng đầu. "Vấn đề lựa chọn không còn là cảm quan bằng mắt mà phải có chất và lượng. Người tiêu dùng đang đi theo xu thế chung chứ không chạy theo trào lưu mua ra thịt nước ngoài nữa", ông Duy nói và cho rằng đây là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp nếu muốn chiếm cảm tình của chính khách hàng Việt Nam.
Truyền thống của người Việt là sử dụng thực phẩm tươi ngoài chợ. Nhưng đời sống hiện đại buộc nhiều người phải chuyển sang thịt đông lạnh. Nhưng đông lạnh không có nghĩa là không an toàn và chất lượng. Ở góc độ quản lý, ông Tống Xuân Chinh cho biết thực phẩm đông lạnh được kiểm soát tốt về quá trình bảo quản, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thời gian và cách thức sử dụng.
Về phía doanh nghiệp, ông Tùng cũng đồng ý rằng đây là điều tích cực. Người tiêu dùng đã thông minh hơn, dẫn dắt sự chuyển đối trong sản xuất của doanh nghiệp. Một số chuỗi liên kết đi theo quá trình này như vận chuyển, tiêu thụ cũng hoàn thiện. Do đó, thực phẩm đông lạnh khi đến bàn ăn gia đình vẫn có chất lượng khá tốt.
Chuyên nghiệp hóa đội ngũ lãnh đạo hợp tác xã :
Ông Nguyễn Đức Tùng đặt ra cho các khách mời câu hỏi người đứng đầu có ảnh hưởng như thế nào với hoạt động của hợp tác xã.
Ông Nguyễn Công Cẩn - Phó tổng giám đốc Kỹ thuật tập đoàn Việt - Úc cho rằng lãnh đạo hợp tác xã ngoài kỹ năng chuyên môn,còn cần có "tâm". Trong đó, họ sẽ là người tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao khả năng cho các hợp tác xã viên.
Ông Phạm Văn Duy nhận định, hình thức liên kết theo hợp tác xã phụ thuộc vào trình độ kinh tế xã hội của từng nước. Tại Nhật Bản, khi quy mô siêu lớn bao gồm cả doanh nghiệp, ngân hàng, khu chế xuất. Ở Việt Nam, trong nhiều năm tới, hợp tác xã vẫn là mô hình được theo đuổi vì phù hợp với nông dân và quy mô nông hộ trong nước. Son cần khắc phục nhiều hạn chế như phải hình thành đội ngũ quản trị có trình độ chuyên môn cao, và hình thành một tổ giám sát đủ năng lưc để kiểm soát ban giám đốc. Khi đó mọi hoạt động vận hành sẽ quy củ và không bị áp đặt ý muốn cá nhân.
Hợp tác xã hiện đại cần hoạt động như một doanh nghiệp :
Nhìn lại bối cảnh ngành chăn nuôi tại Việt Nam các chuyên gia cho rằng cũng như nông sản, ngành chăn nuôi hiện nay phần nhiều vận hành theo mô hình hợp tác xã.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết hợp tác xã là mô hình lâu đời và cũng có nhiều chuyển biến về hình thức trong các năm qua. Tổ chức này liên kết nông dân, đại diện cho quyền lợi của nông dân với nhiều lợi ích khác nhau về vốn, giống, đầu ra và giá trị nông sản.
Hợp tác xã hiện nay cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng có điểm yếu về trình độ quản trị. Ngoài ra chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã dần nhiều hơn và tạo ra sự công bằng giữa các địa phương.
Về việc phát triển hợp tác xã, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn liệt kê ra rất nhiều những cái tên nổi bật trong hệ thống các hợp tác xã trên cả nước. Theo ông, để thành công, hợp tác xã hiện đại cần có yếu tố doanh nghiệp trong khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
6,5 triệu hộ chăn nuôi :
Theo thống kê từ Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong 8 tháng năm nay, thịt heo là sản phẩm chăn nuôi có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhất. Việt Nam nhập khẩu 64,66 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá hơn 152 triệu USD. Con số này tăng 272,6% về lượng và tăng 352,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Thực tế chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6,5 triệu nông hộ trong tổng số 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Song quy mô ngành vẫn chủ yếu phụ thuộc các hộ nhỏ lẻ. Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Việc tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết cũng chiếm tỷ trọng rất thấp.
Những năm qua, chăn nuôi công nghiệp cao đang phát triển mạnh với nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Dabaco, Thái Dương, C.P Việt Nam... Xu hướng này có tác động tích cực, lan tỏa đến đội ngũ sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời đánh thức các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.
Theo chuyên gia, điều này phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước khi ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng, nguồn gốc và xuất xứ thực phẩm. Các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với thực phẩm ngoại nhập, được sản xuất bởi các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển.
Để có sự so kè sòng phẳng với đối thủ ngoại, các doanh nghiệp chăn nuôi đang vận dụng công nghệ ra sao trong sản xuất, chế biến? Nhà sản xuất nội địa có phát huy lợi thế cạnh tranh nào để đối đầu với các nhà sản xuất quốc tế trong thời gian trung và dài hạn sắp tới? Việt Nam cần làm gì để khuyến khích mạnh mẽ đầu tư vào ngành chăn nuôi với quy mô lớn và trình độ sản xuất cao? Trước sức ép từ CPTTP và EVFTA các doanh nghiệp chăn nuôi cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh.... Đây là những nội dung sẽ bàn thảo tại toạ đàm trực tuyến "Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi" lúc 15h ngày 17/11 trên VnExpress.
Chương trình có sự tham gia của ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phá ttriển nông thôn. Ông Nguyễn Công Cẩn - Phó tổng giám đốc Kỹ thuật tập đoàn Việt - Úc là đại diện cho doanh nghiệp trong ngành. Những nội dung trao đổi dưới sự điều phối của TS Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA).